Đăng ký hội viên       0917.486.599          hdntgialai@gmail.com
Tin kinh tế - thương mại
Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4:Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
“Bài toán công nghiệp của Tây Nguyên là hiện đại hóa nông nghiệp”-đó là một trong những chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak). Việc hiện đại hóa nông nghiệp bằng phát triển công nghệ cao cũng là định hướng phát triển Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020.

Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Qua 3 lần diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư, nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên bước đầu được cải thiện, nhưng vẫn còn thấp so với tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng, tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chất lượng của nền kinh tế không cao, thiếu ổn định. Cho đến nay, Tây Nguyên vẫn là một vùng nghèo, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; quy mô, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các địa phương và doanh nghiệp còn nhỏ và yếu; công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh chưa được cải thiện nhiều; liên kết giữa các địa phương trong vùng với các vùng kinh tế khác và khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam còn hạn chế.
 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp.  Ảnh: K.L
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp. Ảnh: K.L

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định, Tây Nguyên là vùng đất bazan được xếp vào loại tốt nhất trên thế giới với gần 2 triệu ha đất bazan, phù hợp với cây cà phê, hồ tiêu và hiện chiếm đến 80% diện tích cà phê cả nước. Đây là những loại cây công nghiệp hết sức quan trọng không chỉ của vùng Tây Nguyên mà còn của đất nước, nhưng vẫn chỉ là xuất thô, giá trị gia tăng thấp. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới nhưng vẫn giữ thói quen sản xuất hạt tiêu đen (trong khi hạt tiêu đỏ, hạt tiêu trắng có giá trị gấp 4 lần). Cao su cũng vậy, là một trong những nước thuộc nhóm đầu sản xuất cao su nhưng Việt Nam cũng hầu như chỉ xuất thô.

Bởi vậy, theo Thủ tướng, các tỉnh trong vùng cần có sự đột phá trong tư duy phát triển, định vị chính xác vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế của mình và đặt trong không gian kinh tế của vùng, liên kết vùng. Từ đó hình thành nên những vùng chuyên canh lớn, phát triển nông nghiệp sạch với quy mô lớn. Chú trọng chế biến sâu để tạo nên giá trị hàng hóa lớn, đồng thời chủ động tạo ra các chuỗi liên kết khác với vùng Duyên hải miền Trung, Tây Nam bộ. Cùng với đó, các tỉnh trong khu vực cần liên kết với nhau, tiêu thụ sản phẩm của nhau. Theo đó, bài toán công nghiệp của Tây Nguyên chính là hiện đại hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Với định hướng này, trong danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của khu vực giai đoạn 2016-2020, có gần 20 dự án thuộc lĩnh vực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, tỉnh Gia Lai nhiều nhất với 6 dự án.
 

Tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên, về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Tại hội nghị lần này, Chi nhánh Ngân hàng Thương mại các tỉnh Tây Nguyên: BIDV, LienvietPostBank, Agribank, Vietinbank đã ký cam kết hợp đồng tín dụng cho 36 dự án đầu tư trong các lĩnh vực thủy điện, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản với tổng số vốn trên 29.000 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 100 ngàn tỷ đồng.

Nhiều nguồn lực ở đa dạng lĩnh vực

Bên cạnh đó, để Tây Nguyên phát triển thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc, Thủ tướng nhấn mạnh tới một số giải pháp. Về tiềm năng du lịch, Thủ tướng chỉ rõ, Tây Nguyên sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và nổi tiếng. Đây là lợi thế mà không phải vùng đất nào cũng có được. Bên cạnh đó, Tây Nguyên là một kho tàng văn hóa phi vật thể. Chính phủ đang quyết tâm đưa sử thi Tây Nguyên trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Thủ tướng đề nghị Tây Nguyên cần có chiến lược phát triển du lịch đa dạng gắn với văn hóa cộng đồng, du lịch tâm linh, nhưng lưu ý phải gìn giữ văn hóa bản địa mà tiêu biểu là văn hóa cồng chiêng, ẩm thực, trang phục, sinh hoạt...

Bảo vệ rừng chính là bảo vệ phần cốt lõi của an ninh, không chỉ là vùng Tây Nguyên mà còn là an ninh của Nam Trung bộ, Tây Nam bộ và cả nước. Thủ tướng khẳng định: “Ai phá rừng tự nhiên là vi phạm pháp luật, phải xử lý nghiêm. Bởi bảo vệ rừng là bảo vệ không gian sinh tồn, nguồn nước, nguồn sống của người dân. Phá rừng là tội ác. Chúng ta phải tiếp tục trồng rừng, và tuyệt đối không phá rừng nghèo để trồng cây công nghiệp nữa”.

Thủ tướng đề nghị các tỉnh Tây Nguyên tập trung mọi nguồn lực với tinh thần “góp gạo thổi cơm” để vùng Tây Nguyên có những công trình hạ tầng then chốt. Các tỉnh phải quy hoạch lại dân cư, không manh mún như hiện nay, xã hội hóa mạnh mẽ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng văn hóa và kinh tế theo hình thức PPP. Thời gian qua, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã đến với Tây Nguyên và tạo nên một luồng sinh khí mới, góp phần lớn trong giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách cho vùng. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp nói đi đôi với làm, đừng để tình trạng “ký rất nhiều, nhưng làm thì quá ít”. Và lãnh đạo các địa phương phải chú ý cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vì môi trường đầu tư của vùng còn rất kém, PCI thấp, tính minh bạch chưa cao.

Thủ tướng nhìn nhận, thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên chưa thu hút được nguồn vốn FDI là bởi quá chú trọng đến vấn đề ổn định an ninh chính trị. “Trước đây, ta đặt vấn đề ổn định để phát triển. Nhưng nay, chúng ta sẽ cố gắng phát triển bền vững để ổn định an ninh lâu dài. Ta phải phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh sinh kế của người dân; đồng thời phải đấu tranh kiên quyết với kẻ xấu phá hoại sự bình yên đất nước”.

Hà Duy

Thư viện hình ảnh
Video